Breaking News

Hội thảo quốc tế về Kim Dung năm 2003

Việt Kiếm Hiệp Blog giới thiệu

Năm 2003, nhơn dịp nhà văn Kim Dung tròn 80 tuổi, một cuộc Hội thảo quốc tế về Kim Dung (lần thứ 4) đã được tổ chức từ ngày 24 đến 27/10/2003 tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Triết Giang, quê hương của Kim Dung. Mặc dù tiểu thuyết cuối cùng của Kim Dung, tức là bộ truyện Lộc Đỉnh Ký, đã phát hành ba mươi năm trước đây, nhưng cho đến hôm nay, người đọc và các nhà phê bình vẫn xem Kim Dung là ông vua của thể loại truyện kiếm hiệp mà không ai so sánh được.

<<< Kim Dung có thể xem là bậc "minh vương" trong dòng văn học kiếm hiệp diễm tình (ảnh minh hoạ)
Vô số bộ phim, trò chơi điện tử đã ra đời dựa trên tác phẩm của Kim Dung.

Có những khách sạn quảng cáo thực đơn mang tên “Anh Hùng Xạ điêu”, mà ở đó mỗi món ăn lại được lấy từ tiểu thuyết của Kim Dung. Ví dụ, món ăn mang tên Nhà ai sáo ngọc nghe mai rụng, lấy trong đoạn nữ hiệp Hoàng Dung làm món thịt bò cho bang chủ Hồng Thất Công, mà từng miếng thịt mang hình ống sáo.

Nhã hay tục?

Sự say mê Kim Dung cũng lan vào giới nghiên cứu học thuật.

Tại hội thảo lần này ở Triết Giang, Việt Nam có hai đại biểu tham dự, là nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn và dịch giả chuyên về văn học Trung Quốc, Phạm Tú Châu.

Bà Phạm Tú Châu cho đài BBC biết tại hội thảo, một trong những chủ đề tranh luận là văn chương của Kim Dung là “nhã” (văn chương kinh điển) hay “tục” (đầu đường xó chợ).

Xưa kia, những truyện như Tây Du Ký, Thủy Hử bị xếp vào dạng “tục”, nghĩa là tác phẩm thông tục, nhiều người đọc. Sau này, cũng những tác phẩm đó lại được coi như văn học kinh điển.

"Nhiều nhà phê bình giờ đây muốn gọi truyện của Kim Dung chính là tiểu thuyết, chứ không chỉ là truyện võ hiệp. Họ xem tiểu thuyết võ hiệp cũng là một bông hoa trong trăm hoa đua nở."

Những năm sau này, Kim Dung liên tục nhuận sắc lại các tác phẩm của mình và nhiều học giả cho rằng văn phong của ông còn hào sảng và hay hơn sau mỗi lần sửa chữa. 


Rất nhiều mối tình lãng mạn trong các tác phẩm của Kim Dung, khiến các fan say đắm

Hồng Kông-Trung Quốc

Một khía cạnh khác trong việc nghiên cứu Kim Dung tại Trung Hoa lục địa trong suốt mấy chục năm qua đó là nên đặt ông ở đâu trong lịch sử văn học.

Cần nhắc Kim Dung xuất thân từ Hồng Kông và nhiều người đã lý luận rằng chính ở môi trường đặc thù của Hồng Kông, chứ không phải của đại lục, mới tạo nên một Kim Dung của truyện võ hiệp.

Cô Chan Shek là một nhà nghiên cứu trẻ về Kim Dung tại đại học Lingnan, Hồng Kông nói sau năm 1949, khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, tiểu thuyết võ hiệp bị cấm tại đây.

"Đến thập niên 1980, Kim Dung mới chính thức được giới thiệu tại Trung Hoa đại lục. Và khi đó đặt ra vấn đề Kim Dung là nhà văn của vùng đất nào. Có những nhà phê bình tại Trung Quốc xem Kim Dung là nhà văn Trung Quốc mà bỏ qua nguồn gốc từ Hồng Kông của ông."

"Một số người xem văn học Hồng Kông chỉ là một phần của toàn bô ̣truyền thống văn học Trung Hoa. Trong một quyển sách giáo khoa đại học, Kim Dung được nhắc tới trong chương về văn học bình dân, nhưng không thấy tên ông đâu trong chương về văn học Hồng Kông và Ma Cao.”

Năm 2000, một nhà văn Trung Quốc nổI tiếng, Vương Sóc, nói có bốn “cáI xấu” ở Hồng Kông và ĐàI Loan. Kim Dung đứng đầu bảng.

Thật ra Vương Sóc không hoàn toàn bài bác truyện của Kim Dung, mà ông cố chống lại sự xâm lăng của văn hóa Hồng Kông, Đài Loan.

Nhiều người ủng hộ Vương Sóc. Với họ, Kim Dung vẫn là một “ngoại nhân”, không thuộc về văn học Trung Quốc.

Điều này cũng dẫn đến sự chia rẽ trong cái nhìn của đại lục và Hồng Kông về tiểu thuyết của Kim Dung.

Chan Shek nói tại Trung Hoa lục địa, các nhà phê bình nói tiểu thuyết của Kim Dung đã phá bỏ cái ý niệm hật hẹp về chủ nghĩa dân tộc.

"Hãy lấy ví dụ tác phẩm cuối cùng của ông, Lộc Đỉnh Ký. Trong đó, các nhân vật lúc đầu đi theo chủ trương Phản Thanh Phục Minh, nhưng cuối cùng nhân vật chính Vi Tiểu Bảo lại thần phục vua nhà Thanh, Khang Hy, bởi vì thấy ông ta là vị vua tốt. Nhà phê bình tại đại lục cho rằng Kim Dung muốn nói không chỉ người Hán mà cả người Mãn Thanh và cả các dân tộc khác đều là con dân dưới mái nhà Trung Quốc.”

Còn tại Hồng Kông, những năm gần đây nhiều nhà phê bình cho rằng chính môi trường đặc thù của Hồng Kông là lý do vì sao tiểu thuyết của Kim Dung chỉ có thể ra đời tại đây.

Theo Chan Shek, họ có một cách hiểu khác về thông điệp của Kim Dung trong tác phẩm Lộc Đỉnh Ký.

“Bởi vì Hồng Kông khi còn là thuộc địa phát triển tốt hơn lục địa, dù chúng tôi sống dưới một chế độ có thể nói là thuộc địa của Anh. Hồng Kông là một vùng đất khác. Vì thế nhiều nhà phê bình cho rằng trong tác phẩm Lộc Đỉnh Ký, có thể không phải Kim Dung muốn nói người Mãn Thanh cũng là một dân tộc thuộc Trung Hoa, mà đó chỉ là một chế độ thuộc địa nhưng chế độ thuộc địa đó lại tốt đẹp và tử tế hơn."

"Giới phê bình Hồng Kông cho rằng ý của Kim Dung không phải là người Hán hay người Mãn hay bất kì dân tộc nào khác đều là Trung Quốc mà Kim Dung chỉ dùng tiểu thuyết để hợp pháp hóa chế độ của Anh tại Hồng Kông. Nếu anh đem ý nghĩa này đặt vào bối cảnh hiện đại của Hồng Kông, anh sẽ hiểu vì sao các nhà phê bình Hồng Kông lại phân tích như vậy.”

Phim truyền hình

Tính đến nay đã có 49 bộ phim truyền hình như vậy, nhưng theo bà Phạm Tú Châu, các đại biểu tại hội thảo đồng nhất ý kiến cho rằng không bộ phim nào làm người yêu mến Kim Dung thỏa mãn cả.

Có nhiều lý do từ vấn đề biên kịch cho đến kỹ thuật quay các chiêu thức võ công. Mỗi thế võ của Kim Dung đều do ông tự thiết kế, và nó kèm cả ý thơ trong đó. Để thể hiện được nét ý nhị này là điều khó khăn.

Nhiều chuyên gia cho rằng ngày nay, số lượng người đọc nguyên bản tiểu thuyết Kim Dung ngày càng ít so với số người biết đến tác phẩm của ông qua phương tiện điện ảnh hay truyền hình.

Tại Việt Nam ngay lúc này không thiếu các bộ phim Kim Dung chiếu trên truyền hình.

Nhưng nếu đã từng có một, hai thế hệ cắm đầu mê mải đọc Kim Dung, ngay cả khi phải đọc lén, thì nay theo bà Phạm Tú Châu, con số này ít hơn, dù truyện của ông giờ đây được in rộng rãi:

"Tôi có làm một thăm dò nho nhỏ trước khi dự hội thảo. Khi hỏi những người bình thường như người bán hàng, tài xế taxi, họ nói họ không đọc Kim Dung mà chỉ xem phim. Tuy vậy, số người mê Kim Dung, nhất định phải đọc truyện của ông, vẫn còn."

Bản thân Kim Dung, tại hội thảo lần này, nói tương lai của tiểu thuyết kiếm hiệp không có gì sáng sủa.

Nhưng dù vậy, vị trí của riêng Kim Dung trong lịch sử văn học đã vững chắc.

Và có người bảo nếu không còn ai tiếp tục truyền thông võ hiệp thì cũng có khác gì đâu. Có khác gì đâu khi đã có một Kim Dung.

.....

* Tác giả Kim Dung
  1. Kim Dung - cây bút kiếm hiệp xứng danh "vĩ đại"
  2. Nhà văn Kim Dung trả lời phỏng vấn của sinh viên Ðại Học Bắc Kinh năm 1994
  3. Nhà văn Kim Dung trả lời bạn đọc 25 câu hỏi thú vị
  4. Kim Dung và nỗi đau đáu về người con trai tự tử
  5. Bí mật về nàng Tiểu Long Nữ ngoài đời của Kim Dung
  6. Vì sao Tiểu Long Nữ đẹp như tiên?
  7. Dụng ý của Kim Dung khi cho Dương Quá cụt tay là gì?
  8. Nếu theo tên gọi thì Độc Cô Cầu Bại sẽ chiến thắng
  9. Vương Trùng Dương lập giáo
  10. Thời biểu (mốc thời gian) trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung
  11. Nữ ma đầu trong phim kiếp hiệp Kim Dung
  12. Những giai thoại về tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung
  13. Ý nghĩa tên một số nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung
>> Những thay đổi, chỉnh sửa của Kim Dung trong các tác phẩm của ông: 

Bài đăng phổ biến