Breaking News

Oan nghiệt mối tình của sư chùa Thiếu Lâm Tự Huyền Từ với Diệp Nhị Nương

Long Hy

Mối tình nơi cửa Phật giữa cao tăng Huyền Từ và "Thiên hạ đệ nhị ác nhân" Diệp Nhị Nương đã trở thành một trong những mối tình khó quên với người hâm mộ Thiên long bát bộ.

Vợ chồng con cái gia đình Huyền Từ chỉ nhận ra nhau trong giây phút ngắn ngủi cuối cùng











Thiên long bát bộ đã trở thành một bộ tiểu thuyết rực rỡ nhất trong số các tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung. Điều này không những được thể hiện qua thế giới quan độc đáo và bối cảnh hùng tráng diễm lệ trong tiểu thuyết của ông, mà còn là thế giới bao la rộng lớn của con người, ẩn chứa sâu bên trong là phật pháp vô biên và sự độ lượng.

Trong đó, đặc biệt gây chú ý là hai nhân vật, một là cao tăng từ bi đức cao vọng trọng - Huyền Từ - phương trượng của Thiếu Lâm, một kẻ lại là người xấu xa độc ác vô cùng, là một trong "Tứ đại nhị ác tiểu thuyết Kim Dung" - Diệp Nhị Nương.

Diệp Nhị Nương vốn là một cô gái thiện lương, sở hữu vẻ đẹp dịu dàng, đoan trang trinh tiết. Nhưng vì báo thù mà trở thành một người đàn bà tàn độc bậc nhất trong giang hồ.

Trước đó, cha nàng sinh trọng bệnh, cao tăng Huyền Từ đã tới tận tình cứu chữa và trao lại mạng sống cho cha Diệp Nhị Nương. Cũng chính từ sự kiện này, cả hai nảy nở nhân duyên. Tình cảm của Diệp Nhị Nương dành cho Huyền Từ ngày càng lớn.

Huyền Từ chính là "Đái Đầu Đại Ca", người chỉ huy cuộc mai phục gia đình Tiêu Viễn Sơn tại Nhạn Môn quan nhiều năm trước, do ngộ nhận tin vào thông tin sai lệch của Mộ Dung Bá.

Diệp Nhị Nương ngày càng cảm kích và ngưỡng mộ đối với vị cao tăng. Nhưng vì gia cảnh bần hàn không biết lấy gì báo đáp, nàng đã dùng tấm thân nữ nhi quý giá trao cho Huyền Từ.

Và kết quả của mối nhân duyên này, nàng sinh hạ cậu con trai kháu khỉnh, bụ bẫm mà Huyền Từ không hề hay biết. Niềm hạnh phúc chưa được bao lâu, Tiêu Viễn Sơn đã bắt cóc giọt máu của nàng, mang giấu sau vườn chùa Thiếu Lâm. Đồng thời vạch ba nhát kiếm ở hai bên má của Diệp Nhị Nương, tạo thành 3 vết sẹo lớn gắn suốt đời với nàng.

Cậu bé sau khi bị bỏ ở Thiếu Lâm Tự đã được chính Huyền Từ nuôi nấng và trở thành Hư Trúc sau này. Số phận đã đặt con cạnh cha suốt bao nhiêu năm nhưng cả hai không biết. Và người cha lại là một nhân vật quan trọng, là Bắc đẩu Thái Sơn, phương trượng Thiếu Lâm tự Huyền Từ.


Huyền Từ đã mang đến cho Diệp Nhị Nương một cậu con trai bụ bẫm kháu khỉnh mà ông không hề hay biết

Nhưng vì con trai bị bắt cóc khiến Diệp Nhị Nương phẫn uất dẫn đến hành động tàn độc khi bắt và giết những đứa trẻ sơ sinh vô tội khác.

Kể từ sau khi mất con, Diệp Nhị Nương sinh đau khổ và phẫn uất. Chính vì vậy, bà nghĩ ra thú vui tàn ác khôn cùng: mỗi ngày bắt cóc một đứa trẻ sơ sinh và đối đãi chăm sóc như con mình, sau đó xuống tay sát hại một cách tàn độc. Vì thế, tên tuổi của bà được xếp hạng Đệ nhị ác trên giang hồ chỉ sau Đoàn Diên Khánh.

20 năm sau, Hư Trúc đã lập công lớn, bảo vệ và tránh được họa lớn cho Thiếu Lâm Tự. Nhưng vì phạm giới luật, Huyền Từ cao tăng đã đánh phạt và phế bỏ công lực của chàng. Khi lột áo tăng chịu phạt, chín vết châm hương trên người Hư Trúc lộ ra, Diệp Nhị Nương lúc này có mặt đã thốt lên khi nhận ra đó chính là con trai bà.

Tiêu Viễn Sơn lúc này vừa hay xuất hiện, công khai Hư Trúc là con Diệp Nhị Nương và phương trượng Huyền Từ. Viễn Sơn cũng thừa nhận năm xưa khi thất trận ở Nhạn Môn quan, đã bắt cóc Hư Trúc để báo thù Huyền Từ.

Giây phút đoàn tụ, người đàn bà tàn độc nhất nhì giới giang hồ ôm cậu con trai dứt ruột hạ sinh năm xưa mà rằng: "Con trai, giờ con đã 20 tuổi rồi. Hai mươi năm qua, ngày nào, đêm nào mẹ cũng mong nhớ con, mẹ căm phẫn vì người ta có con có cái, còn con mình thì để bọn giặc bắt mất. Mẹ... mẹ đành đi bắt con người ta. Nhưng... nhưng... con cái họ nào có bằng con mẹ đẻ ra".


Phút giây cả nhà 3 thành viên đoàn tụ ngắn ngủi ngay trước sân chùa Thiếu Lâm


Khoảnh khắc mẹ con nhận ra nhau quá chóng vánh

Lúc này, phương trượng chùa Thiếu Lâm đã tự giác đứng ra nhận mình là tác giả của bào thai trong bụng Diệp Nhị Nương cách đây hơn 20 năm. Huyền Từ vỗ vào đầu Hư Trúc than một câu: "Ngươi đã ở trong chùa 20 năm, thế mà thủy chung ta vẫn không hay".

Có con ở ngay bên cạnh nhưng không nhận ra. Khi nhận được, ông lại phải thọ tội theo pháp giới của Thiếu Lâm và hơn thế, theo công lý của lương tâm, ông phải tự sát.

Diệp Nhị Nương cũng tự vẫn, vừa để theo người tình cho trọn nghĩa thủy chung, vừa để tự rửa tội kinh hoàng mà hơn 20 năm qua bà đã gieo rắc cho thiên hạ.

Vừa có được cha mẹ, Hư Trúc ngay lập tức lại mất đi. Mồ côi vẫn cứ mồ côi. Không rồi có, có đó rồi không, không nhưng vẫn có. Có không chẳng khác gì nhau.

Sắc tức thị không,không tức thị sắc,
Sắc bất dị không,
Không bất dị sắc
Thọ tưởng hành thức
Diệc phục như thị.


Chuyện tình Huyền Từ và Diệp Nhị Nương, vì từ bi nên để rồi tương tư, đã kết giao cùng người vì yêu mà sinh oàn hận tà ác, điều này đã phần nào nói lên dụng ý chính của toàn bộ tác phẩm - "Vô nhân hữu oan, hữu tình giai nghiệt".

Óai oăm thay, tưởng đâu chỉ những anh hùng mới không thoát khỏi ải mỹ nhân. Ngay đến bậc chân tu, đạo hạnh sau một phút yếu lòng trước nhan sắc cũng buông rơi kinh kệ, đánh tuột hạt tràng. Dù đây không phải tình thù, mà là cái nghiệp trong kinh Phật. Tàn cuộc nghiệt duyên, Huyền Từ lẫn Diệp Nhị Nương đều chết bên nhau như bao cặp tình nhân chốn nhân gian.

..........

Bài liên quan:

Bài đăng phổ biến