Breaking News

Ai có thể nhận ra Trương Vô Kỵ?

Trần Mặc

(Vietkiemhiep) - Hồi cuối của bộ tiểu thuyết Ỷ thiên Đồ long ký có tiêu đề rất hay "Là chàng Trương đó mà không phải chàng", trong đó có một tình tiết khiến độc giả sửng sốt , ấy là thiếu nữ Ân Ly chết rồi còn sống lại, song nhìn Trương Vô Kỵ đứng sờ sờ trước mặt, Ân Ly lại bảo đấy không phải làTrương Vô Kỵ, người mà bao năm nay nàng không lúc nào quên. 



Rất nhiều độc giả cũng giống Ân Ly, chỉ thích cậu bé Trương Vô Kỵ quật cường, nghiến răng cắn người, chứ không thích chàng trai Trương Vô Kỵ nhân từ độ lượng khi đã trưởng thành. Nguyên nhân rất đơn giản: họ cảm thấy chàng trai Trương Vô Kỵ "không có tính cách", nói khác đi, Trương Vô Kỵ không có chủ kiến, không có khí phách anh hùng; có người còn bảo tính cách của nhân vật này trong bộ tiểu thuyết không có sự phát triển. Bảo Trương Vô Kỵ "không có tính cách", đương nhiên là không chính xác, chẳng qua Trương Vô Kỵ xem ra không có cái khí phách anh hùng mà nhân vật chính trong tiểu thuyết võ hiệp thường có, tính cách cũng không mạnh mẽ và sinh động lắm. Như Kim Dung tiên sinh nói trong phần viết thêm ở cuối sách, tính cách của Trương Vô Kỵ "giống như hết thảy mọi người bình thường” thật thà, trung hậu, hiền lành, mềm yếu, dễ chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, làm việc do dự không quả đoán, tóm lại là như một người bình thường.

Về điểm này, trong sách có một đoạn phân tích khá hay: "Trương Vô Kỵ võ công tuy cao cường thật, nhưng tính cách thì nhu nhược, cả nể, thiếu quyết đoán, việc gì cũng cứ để trôi đi tự nhiên, ít khi dám làm trái ý người khác, thà bỏ ý mình chiều theo ý người. Chàng tập luyện tâm pháp "Càn khôn đại na di" là nể lời thỉnh cầu của Tiểu Chiêu; làm giáo chủ Minh giáo là do tình thế bức bách và cũng vì nể tình Ân Thiên Chính, Ân Dã Vương; chàng đính hôn với Chu Chỉ Nhược là theo lệnh của Tạ Tốn, còn không bái đường thành thân với Chu Chỉ Nhược thì là do Triệu Mẫn ép phải làm thế. Năm xưa Kim Hoa bà bà và Ân Ly giá như không dùng vũ lực cưỡng bức, mà ngọt ngào rủ chàng ra đảo Linh Xà, chắc hẳn chàng đã đi theo rồi". (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Người như thế, chẳng trách nhiều độc giả không thích. Nhưng độc giả thích hay không thích hình tượng nhân vật Trương Vô Kỵ, là tùy quan điểm mỗi người một khác, song một số độc giả lại lấy việc mình không thích để phán xét rằng nhân vật này "tả không hay", không có giá trị văn học, thì đấy lại là chuyện khác. Trường hợp thứ nhất khỏi cần tranh luận; còn trường hợp thứ hai thì chúng ta cần đi sâu phân tích, nghiên cứu.

Theo tôi, hình tượng Trương Vô Kỵ có thể cung cấp một loại mô hình tính cách mới cho hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp, riêng cái đó đã là một đóng góp quan trọng cho văn học võ hiệp. Trong thế giới anh hùng truyền kỳ võ hiệp, xuất hiện một nhân vật chính không có khí phách anh hùng, giống hệt mọi người chúng ta, đó không phải là một thành công hay sao? Huống hồ sự xuất hiện của hình tượng Trương Vô Kỵ còn là tiêu chí chứng tỏ có một chuyển biến lớn lao trong sáng tác của Kim Dung.



Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn

I

Tôi từng so sánh mô hình nhân cách của ba nhân vật chính Quách Tĩnh, Dương Quá và Trương Vô Kỵ, cho rằng Quách Tĩnh là điển phạm hiệp sĩ Nho gia, vì theo qui tắc sống "vì dân vì nước, hi sinh thân mình"; Dương Quá là điển phạm hiệp sĩ Đạo gia, vì theo qui tắc sống "chí tình chí tính, thực hiện tự ngã" còn giá trị của hình tượng Trương Vô Kỵ thì ở giữa Phật gia và Đạo gia, chàng vừa có cái "vô vi" của Đạo gia, vừa có cái "từ bi" của Phật gia. Đương nhiên cũng có thể nói, ngoài hai cái đó, Trương Vô Kỵ là giáo chủ Minh giáo, ắt phải có điển phạm "tinh thần Minh giáo". Trên quan điểm triết học, ba cái đó dĩ nhiên có thể "như kiềng ba chân". Về mặt lối suy nghĩ, ba hình tượng nhân vật chính của "bộ ba tiểu thuyết xạ điêu” cơ bản được phát triển theo lôgich chính, phản và hợp. Hình tượng nhânvật Quách Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu đương nhiên là "chính", nghĩa là thể hiện hình thái ý thức và giá trị văn hóa chính thống, chính tông, "vì dân vì nước, ắt là đại hiệp Hình tượng nhân vật Dương Quá trong Thần điêu hiệp lữ rõ ràng là "phản - phản bội sư môn, thách thức các giá trị truyền thống; còn hình tượng nhân vật Trương Vô Kỵ trong Ỷ thiên Đồ long ký thì là "hợp", "hợp" cái chất phác đơn giản của Quách Tĩnh với sự thông minh lanh lợi của Dương Quá, hợp cái "vì dân vì nước" của Quách Tĩnh với cái "chí tình chí tính"của Dương Quá. Tác giả muốn theo cái "cao minh nhất là đạo trung dung”, hình tượng Trương Vô Kỵ là sự tổng hợp và trung hòa về mặt nghệ thuật hình tượng Quách Tĩnh với hình tượng Dương Quá.

Trong Ỷ thiên Đồ long ký, chúng ta hầu như phát hiện sự "trung hòa" ấy ở mọi chỗ. Địa danh của nơi Trương Vô Kỵ chào đời là Băng Hỏa đảo, nghĩa là một hòn đảo có núi lửa ở Bắc Băng Dương. Tên gọi đó thực ra còn ngụ ý tính cách sau này của Trương Vô Kỵ: sự trung hòa giữa băng và hỏa, đương nhiên sẽ đem lại sự ấm áp dễ chịu cho mọi người. Hơn nữa, Trương Vô Kỵ còn là con của danh hiệp Võ Đang Trương Thúy Sơn với yêu nữ Thiên ưng giáo Ân Tố Tố, dòng máu chảy trong người chàng là sự hòa lẫn hai phái chính tà. Hơn nữa, theo lệ thường của tiểu thuyết Kim Dung, môn võ công giỏi nhất của nhân vật chính thường thường chứng minh hoặc bổ sung hay nhất cho tính cách và cuộc đời của nhân vật đó. "Hàng long thập bát chưởng” của Quách Tĩnh, "Ảm nhiên tiêu dao chưởng” của Dương Quá chính là thế.

Vậy thì "Càn khôn đại na di" và Thái cực quyền kiếm của Trương Vô Kỵ đương nhiên cũng phải thể hiện tính cách của nhân vật chính. Mà đặc điểm chung của hai môn thần công này là là sự trung hòa và xoay vòng của càn khôn âm dương. Cuối cùng, cũng là rõ nhất và quan trọng nhất, mục đích lớn nhất của Trương Vô Kỵ sau khi bước vào giang hồ, là làm sứ giả hòa bình hòa giải tập đoàn chính phái gồm sáu đại môn phái với hai tà phái là Minh giáo và Thiên Ưng giáo, mưu cầu "hòa hợp" chính tà. Tính phức tạp của vấn đề là ở chỗ dùng hai chữ “tính cách" để khái quát một hình tượng nhân vật văn học, dùng mấy chữ "do dự " để khái quát một tính cách, e rằng quá cứng nhắc, vì "lý thuyết thì xám xịt, trong khi cây đời mãi mãi xanh tươi", một con người sống động, đâu có thể cố định bằng một khái niệm? Dù là đối với một hình tượng văn học sống động, chỉ dùng một khái niệm “tính cách" để thuyết minh cũng không thể đầy đủ.


II


Tuy nói tính cách của Trương Vô Kỵ giống với rất nhiều con người bình thường, nhưng đối với thế giới võ lâm trong sách Ỷ thiên Đồ long ký, thì chàng thực ra là một người khác hẳn. Cái khác lớn của Trương Vô Kỵ với mọi người là hoàn cảnh ra đời và trưởng thành đặc biệt của chàng. Ngoài ý nghĩa của Băng Hỏa đảo như đã nói, Băng Hỏa đảo là một hòn đảo chơ vơ giữa đại dương, cách biệt hẳn với thế giới con người. Trương Vô Kỵ thời thơ ấu nghe nhiều mà thấy ít. Trên đảo, ngoài Trương Vô Kỵ, chỉ có ba người là cha mẹ và nghĩa phụ, từ nhỏ chàng được hưởng một một sự nuôi dạy không pha tạp, thuần chất, tràn ngập tình yêu thương tự nhiên. Bởi vậy, so với những người trong xã hội thế tục, chàng là "con người tự nhiên" đầy hồn nhiên; so với những người giang hồ, thì chàng là "người bốn bể". Tóm lại, đối với cái thế giới của Ỷ thiên Đồ long ký, Trương Vô Kỵ là một nhân vật trong trắng khác lạ. Đặc điểm nổi bật trong tính cách của Trương Vô Kỵ là chàng quá thật thà và giản dị.


Tiểu Chiêu

Từ nhỏ đến lúc lên mười, Trường Vô Kỵ chỉ sống trong một môi trường trong sáng, không hề phải tiếp xúc với sự dối trá, căn bản không biết rằng sự dối trá cũng là một bộ phận hợp thành quan trọng của cuộc sống. Bởi vậy, Trương Vô Kỵ không biết nói dối, cũng tức là thiếu khả năng phân biệt sự dối trá, thành thử trong đời không tránh khỏi liên tiếp bị lừa. Gia đình Trương Vô Kỵ trên đường từ hải đảo trở về, khi lần đầu gặp người giang hồ trên đất liền, cậu bé Trương Vô Kỵ nghe mẹ nói dối :"Lão Tạ Tốn làm xằng ấy đã chết rồi", mà cha cậu cũng phụ họa, thì cậu không chịu nổi, kêu tướng lên : "Nghĩa phụ không phải là ác tặc, nghĩa phụ chưa chết, nghĩa phụ chưa chết". (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Thế là dẫn đến đại họa, không chỉ gián tiếp làm cho cha mẹ cậu chết thảm, mà chính tính mạng của cậu cũng nguy hiểm vạn phần, từ đó bị chất độc hành hạ mãi. Mặc dù mẹ cậu lúc trước khi chết có dặn đi dặn lại, “phải đề phòng nữ nhân đánh lừa, nữ nhân càng xinh đẹp, càng giỏi lừa người", (Xem Ỷ thiên Đồ long ký).

Nhưng bài học xương máu ấy vẫn không làm thay đổi bản tính thật thà của Trương Vô Kỵ. Trong cuộc đời tiếp theo của Trương Vô Kỵ, những chuyện tương tự cứ liên tiếp xảy ra. Mặc dù chàng đã quyết thà chết không tiết lộ tin tức về nghĩa phụ Tạ Tốn, nhưng rồi lại trúng kế của Chu Trường Linh, chủ động kể ra bí mật chỗ ở của Tạ Tốn. Hơn thế, biết rõ Chu Trường Linh là một tên gian tặc lừa đảo, Trương Vô Kỵ sau khi học "Cửu dương chân kinh", vẫn còn bị Chu Trường Linh lừa, đẩy xuống vực sâu gãy chân. (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Sau đó trên đảo Linh Xà, trưởng lão Cái Bang Trần Hữu Lượng nói và làm khác nhau, Kim Hoa bà bà, Triệu Mẫn không bị lừa, song hắn lại lừa được Trương Vô Kỵ. (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Bởi thế, ở cuối bộ tiểu thuyết, gã Chu Nguyên Chương cáo già bày kế một mũi tên bắn hai đích, khiến Trương Vô Kỵ nản chí, từ đó rút lui khỏi giang hồ, (Xem Ỷ thiên Đồ long ký), thật là "thuận lý thành chương”! Trên một ý nghĩa nhất định, có thể nói cuộc sống giang hồ của Trương Vô Kỵ khởi đầu từ lần đối mặt với sự dối trá, và chấm dứt khi bị đánh lừa. Cái thế giới mà chàng bước vào là một thế giới lọc lừa, cuộc sống mà chàng trải qua là một cuộc sống liên tiếp bị mưu mô và dối trá lừa lọc. Trương Vô Kỵ liên tiếp bị lừa, hoàn toàn không phải là một thằng ngốc, chàng khá thông minh, nhưng không khôn ngoan, cho nên trong thế giới những kẻ khôn ngoan, chàng chỉ là một người thật thà, hồn nhiên, thành đối tượng để người ta lừa dối và chê cười.

Đương nhiên từ một góc độ khác, sự thật thà, hồn nhiên của Trương Vô Kỵ lại là "tấm gương” sang phản chiếu xã hội thế tục hiện thực, phản chiếu giang sơn, chiếu rọi vào cái bất chính của chính phái, cái không tà của tà phái; chiếu rọi sự tàn bạo của kẻ thống trị và cái ti tiện của người chống đối.Tuy trong Ỷ thiên Đồ long ký cái ý thức của tác giả phản ánh, phản tỉnh, phê phán văn minh truyền thống Trung Quốc, xã hội thế tục cùng cuộc sống dục vọng, còn chưa hoàn toàn tự giác, song bộ tiểu thuyết này hiển nhiên là một bước ngoặt quan trọng trong sáng tác tiểu thuyết của Kim Dung. Chứng cứ là sau bộ tiểu thuyết này, Kim Dung đã viết các bộ tiểu thuyết Liên thành quyết, Thiên long bát bộ, Hiệp khách hành, Tiếun gạo giang hồ, Lộc đỉnh ký, trong đó nhân vật chính của Liên thành quyết là Địch Vân còn "thật thà" hơn nữa, nhân vật chính trong Thiên long bát bộ là Đoàn Dự còn "hồn nhiên" hơn nữa; Thạch Phá Thiên trong Hiệp khách hành không chỉ là nhân vật chính, mà còn là người quan sát và phản tỉnh của cái thế giới dục vọng phi nhân; nhân vật chính Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ có đặc trưng tính cách nổi bật nhất là không thể làm kẻ nhập thế xu thời về chính tà; ngược lại, nhân vật chính Vi Tiểu Bảo trong Lộc đỉnh ký chính là kẻ nhập thế xu thời, chẳng qua chỉ chứng minh "hèn hạ là giấy thông hành của kẻ hèn hạ". Tấtcả những góc độ ấy đều là sự chuyển biến, bắt đầu từ Ỷ thiên Đồ long ký và nhân vật chính Trương Vô Kỵ.


III

Trong bộ tiểu thuyết Ỷ thiên Đồ Long ký, nhân vật chính Trương Vô Kỵ có một thân phận rất dễ bị người ta bỏ qua, ấy là chàng còn là một vị thần y nghiệp dư, không chỉ võ công cao cường, mà còn y thuật thông thần. Có qua một giai đoạn học y, đồng thời có bản lĩnh và tư cách hành y, đấy là một điều nổi bật của hình tượng nhân vật Trương Vô Kỵ. Sau khi "Điệp cốc y tiên" Hồ Thanh Ngưu chết, Trương Vô Kỵ được coi là danh y số một trên đời. Về y thuật, Trương Vô Kỵ so với Hồ Thanh Ngưu vẫn còn thấp hơn một bậc, bằng chứng là trên đỉnh Quang Minh chàng không nhận biết nguy kế giả vờ chết của hòa thượng Viên Chân của Thiếu Lâm tự; trên hòn đảo vô danh không nhận biết chân tướng cái chết giả của Ân Ly; song về phương diện y đức, thì danh y "Kiến tử bất cứu” Hồ Thanh Ngưu không thể sánh với Trương Vô Kỵ đại nhân hậu. Tuy rằng việc Trương Vô Kỵ chỉ mất có hai năm mà đạt tới trình độ y thuật như thế, có làm cho các bác sĩ thời nay nghi ngờ. Trong sách, Trương Vô Kỵ tùy thời phát huy y thuật cao minh của mình, thường thường là động lực quan trọng thúc đẩy tình tiết tự sự. Trên đường hộ tống Dương Bất Hối đến vùng Côn Luân, nhờ chàng trị thương cho Chiêm Xuân, đệ tứ phái Côn Luân, mà một cậu bé như Trương Vô Kỵ mới có thể hoàn thành chuyến đi vạn dặm mới nghĩ đã thấy sợ; cho dù đến được Tây Vực cũng khó lòng tìm ra ngọn núi Tọa Vọng phong.

Chính nhờ tinh thông y thuật, cứu sống con vượn, chàng mới phát hiện bảo điển võ học hàng trăm năm "Cửu dương chân kinh" giấu trong bụng con vượn, mới luyện được Cửu dương thần công, khu trừ chất độc âm hàn của "Huyền Minh thần chưởng" ra khỏi cơ thể, thoát khỏi sự đe dọa của cái chết. Còn chuyện Trương Vô Kỵ sử dụng y thuật của mình trị bệnh cứu người, thường thường hóa hiểm thành an, thì khỏi cần nói thêm. Tôi thích thú với việc chữa bệnh cứu người của Trương Vô Kỵ còn bởi lẽ trong sách tác giả lợi dụng điểm đó nhằm khéo léo thúc đẩy tình tiết phát triển, hoặc mượn cái đó để sáng tạo bao nhiêu truyền kỳ thần y. Tôi chú ý đến việc tính cách của Trương Vô Kỵ có quan hệ thế nào với quá trình học y của chàng. Trong bộ tiểu thuyết,Trương Vô Kỵ không hề lấy việc hành y làm nghề, nhưng học y và kinh nghiệm hành y có ảnh hưởng rất quan trọng tới tâm lý, tính cách và cuộc sống của nhân vật. Nói đơn giản có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành ý thức sống, quan niệm sống, giá trị thiện ác và tình cảm nhân văn.

Y thuật của Trương Vô Kỵ như thế nào cố nhiên là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là y đức và y đạo của chàng - tức là chàng hiểu, coi trọng sinh mạng như thế nào. Lần đầu tiên "ra tay" cứu người là xuất phát từ sự thôi thúc của lòng nhân ái: chứng kiến cảnh phái Nga Mi đại tàn sát dã man các tráng sĩ Nhuệ kim kỳ của Minh giáo, chàng không nhịn nổi, nhảy ra chất vấn sư đồ phái Nga Mi : "Các người tàn nhẫn hung ác như thế, không biết hổ thẹn ư? "Những người này, tất cả đều coi nhẹ mạng sống, trọng nghĩa khí, khảng khái chịu chết, quả là các anh hùng hảo hán hiên ngang, đâu có gì là tà ma ngoại đạo?", "Thanh Dực Bức Vương chỉ giết một người, các vị giết mười lần nhiều hơn. Y dùng răng giết người, sư tôn dùng kiếm Ỷ Thiên giết người, cùng là giết người cả, đâu có phân biệt gì thiện ác?" (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Ba câu hỏi của Trương Vô Kỵ tưởng là của một gã thiếu niên ngây thơ, thực ra chính là lời nhắc nhở, cảnh cáo của bậc đại nhân, đại trí đối với những kẻ không hiểu chân lý. Tiếp đó Trương Vô Kỵ tiến hành cứu thương, cầm máu, băng bó cho các tráng sĩ Nhuệ kim kỳ. Rồi chàng lại còn đứng ra thà chết chịu đựng ba chưởng của Diệt Tuyệt sư thái giết người không chớp mắt, để chấm dứt cuộc tàn sát vô nhân đạo đối với những con người chính nghĩa. Trong cảnh này, bảo Trương Vô Kỵ là một anh hùng, hiệp sĩ cũng được, song đúng hơn, phải nói chàng là một thầy thuốc, một nhà nhân đạo chủ nghĩa.

Thực tế là trong Ỷ thiên Đồ long ký, mọi hành động của Trương Vô Kỵ đều là cứu tử phù thương. Nào đứng ra bảo vệ và cứu chữa các tráng sĩ Nhuệ kim kỳ, nào giúp Minh giáo và Thiên Ưng giáo hòa giải với sáu đại môn phái, nào cứu các cao thủ sáu môn phái, cuối cùng kêu gọi và lãnh đạo anh hùng thiên hạ chống quân Nguyên, đều là hoạt động cứu tử phù thương đối với nhân gian. Trách nhiệm và lòng nhân ái của người thầy thuốc không chỉ thấm vào xương tủy của Trương Vô Kỵ, mà còn hóa thành động lực nội tại cho mọi hành động của chàng. Nếu tình huống cho phép lựa chọn, hoặc làm giáo chủ, hoặc làm nghề chữa bệnh, tôi đoán Trương Vô Kỵ sẽ chọn việc thứ hai. Muốn thế, cần có hoàn cảnh hòa bình yên ổn, tiếc rằng thời đại Trương Vô Kỵ không tạo cho chàng hoàn cảnh đó và tác giả Kim Dung cũng không tạo ra hoàn cảnh đó.

IV

Nhân vật chính trong tiểu thuyết võ hiệp vào sinh ra tử là chuyện cơm bữa, vì đã quá quen, nên hầu như không hề suy nghĩ đến chuyện sống chết. Nhân vậtchính của tiểu thuyết võ hiệp như thế, tác giả như thế, độc giả cũng như thế. Nhưng Trương Vô Kỵ thì khác hẳn: trở về đất liền không lâu, chính mắt chứng kiến cái chết của cha mẹ mình, chính mình bị trúng Huyền Minh thần chưởng của Lộc Trượng Khách, ngay tổ sư Trương Tam Phong võ công thông thần cũng phải bó tay, thậm chí Điệp cốc y tiên Hồ Thanh Ngưu cũng không thể chữa trị. Do đó, cậu bé Trương Vô Kỵ ngày ngày bị chất âm độc của Huyền Minh thần chưởng hành hạ, ngày ngày bị tử thần đe dọa, cứ như thế mấy năm liền. Sự trải nghiệm đó không thể không có ảnh hưởng lớn đến tâm lý và tính cách của Trương Vô Kỵ. Huyền Minh thần chưởng đương nhiên là thứ võ công do tác giả hư cấu, nhưng trong tiểu thuyết của Kim Dung, mỗi môn võ công đều có tượng trưng sâu xa. Huyền Minh thần chưởng, tức là cái chết (minh) không thể biết (huyền), còn khí âm độc của nó có nghĩa là cái chết lạnh lùng. Trương Vô Kỵ không phải là một triết gia, nhưng phải trường kỳ đối diện với sự đe dọa của cái chết, trường kỳ đối diện với câu hỏi "sống hay là chết?" Trương Vô Kỵ đành phải ngẫm nghĩ đến bí ẩn của cái chết và ý nghĩa của sự sống, từ đó hình thành dần ý thức sống cho mình. Sau một phen đơn độc vào sinh ra tử, dưới địa đạo đỉnh Quang Minh, Trương Vô Kỵ nghe cô bé Tiểu Chiêu hát : Chớ nên cau mặt nhíu mày, Cũng đừng vỗ ngực ta hay ta giàu. Đẹp giàu phỏng được bao lâu? Ngày nào xanh tóc, giờ đầu bạc phơ.

Giàu sang, khôn khéo có thừa Khác chi nghèo khó, dần ngu vậy mà. Có người thì cũng có ta, Xưa nay đây đó vốn là như nhau. Cõi trần kẻ trước người sau Cuối cùng cũng đến cái cầu xuôi tay. Hôm nay hãy biết bữa nay, Trăm năm thấm thoắt đã hay một đời. Mấy ai thọ đến bảy mươi Thời gian như nước chảy xuôi qua cầu. Nghĩ đến mười năm qua đã nếm trải đủ mùi gian khổ, đêm nay bị kẹt giữa lòng núi, trước mắt thấy không còn đường sống, bất giác cảm thấy não lòng".(Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Nói thế có nghĩa là Trương Vô Kỵ đã từ việc hình dung cái chết mang tính an ủi, tiến đến chỗ thể nghiệm và cảm ngộ về cuộc sống; từ sự lạc quan mù quáng hoặc tiêu cực, tiến đến chỗ bi quan tỉnh táo hoặc tích cực. Một lần nữa Trương Vô Kỵ lại thoát thai hoán cốt, ra khỏi địa huyệt, sẽ làm cho sinh mạng mình có ý nghĩa hơn.

Đáng chú ý cái cảnh Trương Vô Kỵ sau khi thoát khỏi địa huyệt, lên đỉnh Quang Minh, thấy giữa vòng vây siết chặt của sáu đại môn phái, các giáo đồ Minh giáo và Thiên Ưng giáo bại trận đang trang nghiêm tụng bài kinh của Minh giáo: Thiêu đốt thân tàn ta, Hỏa thánh cháy bừng bừng, Sống chẳng có gì vui, Thì chết có gì khổ? Nguyện hành thiện trừ ác, Làm sao cho quang minh, Bao hỉ lạc bi sầu Đều hóa thành cát bụi. Thương thay cho con người, Sao lo buồn lắm vậy ! Thương thay cho con người, Sao lo buồn lắm vậy ! Nghe bài kinh ấy, người đứng đầu phe địch là Không Trí đại sư bất giác chắp tay, nói : "Thiện tai, thiện tai!" Du Liên Châu phái Võ Đang thì nghĩ thầm: "Bọn họ không nghĩ đến cái chết của chính mình, lại đi thương người đời đa ưu đa hoạn, thật là lòng dạ cao cả, đại nhân đại dũng!" (Xem Ỷ thiên Đồ long ký).

Trương Vô Kỵ càng không cần nghĩ thêm, tức thì bước ra, chỉ mong hóa giải nguy cơ sáu đại môn phái xông vào chém giết. Lúc ấy, ý thức sống của Trương Vô Kỵ đã từ tầng tưởng tượng bản năng và tầng thể nghiệm vươn lên tầng lý tính. Trong Ỷ thiên Đồ long ký còn có bài hát thứ tư về cuộc sống, có thể gọi là ý thức sống thứ tư, bài hát dựa theo câu thơ bất hủ của thi sĩ Ba Tư Nga Mặc, được Ân Ly hát trong lúc mê sảng : Đến như nước chảy xuôi khe, Đi như gió cuốn biết về nơi nao. Cuộc đời như giấc chiêm bao. Về đâu, rồi sẽ ra sao bây chừ? (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Mọi người nghĩ đến lẽ tử sinh vô thường, cõi nhân sinh thật giống như dòng nước trôi trên sông mà lòng đều cảm khái. Trong hồi thứ ba mươi này của bộ sách, Tiểu Chiêu xinh đẹp sẽ biệt ly với Trương Vô Kỵ, từ đây đông tây hai ngả Sâm Thương; không lâu sau đó Ân Ly cũng "tử biệt" với Trương Vô Kỵ, giấc mộng đẹp Trương Vô Kỵ cùng bốn thiếu nữ trên một con thuyền đến đó chấm dứt, làm sao không khiến chàng thay đổi quan niệm và ý thức sống kia chứ? Điều đáng tiếc là trong hai lần hát sau, chẳng hiểu tại sao tác giả lại chẳng nói gì đến phản ứng tâm lý của Trương Vô Kỵ.

Tuy hai lần ấy Trương Vô Kỵ đều có mặt tại hiện trường, nhưng khi các giáo đồ Minh giáo hát "Sống chẳng có gì vui, thì chết có gì khổ? và "Thương thay cho con người, Sao lo buồn lắm vậy !" mà vị giáo chủ tương lai lại chẳng có xúc cảm gì. Rồi khi Ân Ly hát: "Đến như nước chảy xuôi khe, Đi như gió cuốn biết về nơi nao", tác giả chỉ viết : "Trương Vô Kỵ chỉ cảm thấy bàn tay nhỏ nhắn của Triệu Mẫn trong tay chàng bỗng lạnh như băng, hơi run rẩy (Xem Ỷ thiên Đồ long ký) ,không nói gì đến tâm trạng của Trương Vô Kỵ. Càng đáng tiếc hơn, tác giả không chú ý đến sự thay đổi ý thức sống của Trương Vô Kỵ, và sự thay đổi ấy có ảnh hưởng thế nào đến quan niệm sống của chàng, không đi sâu vào thế giới tinh thần, tâm lý của chàng; đương nhiên cũng không lấy vốn ý thức sống hoặc quan điểm sống ấy làm chỗ dựa cho sự phát triển tâm lý và tính cách của Trương Vô Kỵ, làm động lực chuyển biến. Bởi vậy, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời Trương Vô Kỵ, ta không thấy sự thay đổi ý thức sống và sự phát triển tâm lý, tính cách lẽ ra phải có. Trong Ỷ thiên Đồ long ký cũng không lấy sự thay đổi tính cách của Trương Vô Kỵ làm động lực ban đầu cho sự phát triển tình tiết, khiến cho ý nghĩa thẩm mỹ, của hình tượng nhân vật, và giá trị văn học nghệ thuật của bộ tiểu thuyết bị hạn chế rõ ràng. Đáng tiếc nhất, là tác giả không kiên trì quan điểm sống của Trương Vô Kỵ, không nâng nó lên thành chủ đề của bộ tiểu thuyết, khiến ý nghĩa của hình tượng nhân vật này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tác giả không ngờ rằng việc trân trọng sinh mạng cá thể có ý nghĩa còn cao hơn mâu thuẫn hư cấu hoặc có thật giữa các bang phái, giữa chính và tà, cao hơn mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc.


Quách Tương - sư tổ Nga My phái


V

Nhiều người cho rằng Trương Vô Kỵ đương nhiên không có cá tính, không có chủ kiến, thiếu khí phách anh hùng. Đó là một quan niệm sai lầm. Trương Vô Kỵ không phải là không có cá tính hoặc chủ kiến, chẳng qua cá tính hoặc chủ kiến của chàng có khác mọi người mà thôi. Lúc nhỏ, khi chưa lên núi Võ Đang, Trương Vô Kỵ từng bị Huyền Minh nhị lão bắt cóc, đánh đòn Huyền Minh thần chưởng để buộc cậu tiết lộ bí mật về Tạ Tốn. Sự hành hạ của Huyền Minh nhị lão gớm ghiếc chừng nào, không nói cũng rõ, song Trương Vô Kỵ hiên ngang trả lời khi mẹ chàng hỏi chàng có nói ra không? "Lão ta có đánh chết, con cũng không nói". (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Một câu này đủ thấy cậu bé Trương Vô Kỵ có ý chí kiên cường và khí phách anh hùng. Khi Ở Hồ Điệp cốc, bị Kim Hoa bà bà võ công cao cường và cô bé Ân Ly đe dọa, Trương Vô Kỵ yếu hơn bèn dùng răng thay tay, khiến cô bé Ân Ly mãi mãi không thể quên ấn tượng sâu sắc về cá tính của Trương Vô Kỵ. Một dẫn chứng khác, cậu bé Trương Vô Kỵ mười bốn tuổi nhận lời ủy thác của Kỷ Hiểu Phù lúc lâm chung, đã tận lực dẫn Dương Bất Hối vượt vạn dặm đường gian khổ đến giao cho cha cô là Dương Tiêu. Dương Tiêu hỏi cậu muốn báo đáp thế nào, thì Trương Vô Kỵ trả lời : "Kỷ cô cô không coi thường điệt nhi, nên mới tin cậy nhờ điệt nhi đưa con gái của cô ấy đến đây. Nếu điệt nhi vì muốn cái gì mà đến, thì có đáng để người ta ủy thác hay không?" (Xem Ỷ thiên Đồ long ký).

Đến đây, chúng ta còn dám bảo Trương Vô Kỵ không có cá tính, không có chủ kiến, thiếu khí phách anh hùng nữa chăng? Khi đã trưởng thành, Trương Vô Kỵ đương nhiên không giản đơn như hồi nhỏ, song cũng hoàn toàn không như chúng ta tưởng tượng, càng lớn, chàng càng không có chủ kiến. Chàng không muốn gia nhập Minh giáo, song lại làm giáo chủ Minh giáo, tưởng chừng không có cá tính, không có chủ kiến, nhưng tình hình lúc ấy là "Trương Vô Kỵ nghe thấy tiếng chém giết càng gần, càng thêm nóng lòng, nhất thời không biết tính sao, nghĩ : "Hiện tại chuyện cứu người là quan trọng, chuyện khác tính sau”. (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Đủ thấy hoàn toàn không phải là Trương Vô Kỵ không có' chủ kiến, mà chàng coi việc cứu người là quan trọng hơn. Sau đó, do từ chối không xong, chàng yêu cầu mọi người trên dưới trong Minh giáo phải nghiêm chỉnh tuân thủ ba điều giáo qui, làm điều thiện, trừ kẻ ác, hành hiệp chính nghĩa. Người trong bản giáo phải thân ái giúp nhau, tình như thủ túc, nhất quyết không được chống nhau; đối với các môn phái khác thì oán thù cũ bỏ qua hết, không tìm cách trả thù. (Xem Ỷ thiên Đồ long ký).

Lập trường rõ ràng như thế, lời lẽ giản dị như thế, ngọn cờ quang minh lỗi lạc như thế, sao có thể nói là không có chủ kiến, thiếu khí phách anh hùng kia chứ? Trương Vô Kỵ quả cũng có lúc "hồ đồ", thiếu chủ kiến, ví dụ khi Triệu Mẫn hỏi, nếu nàng giết Chu Chỉ Nhược, thì liệu chàng có giết nàng để trả thù cho Chu cô nương hay không, thì chàng trả lời : "Ta cũng không biết nữa", rồi kể : "Cha mẹ ta bị người ta bức tử. Bức tử cha mẹ ta là một số kẻ ở phái Thiếu Lâm, phái Không Động, phái Hoa Sơn. Sau này khi ta lớn lên, ta thấy mọi việc rõ ràng hẳn ra, nhưng càng nghĩ càng không hiểu, rốt cuộc thì ai là kẻ hại chết cha mẹ ta? Không thể nói là Không Trí đại sư, Thiết Cầm tiên sinh, cũng không thể bảo đó là ông ngoại hay cậu ruột của ta; cũng chẳng thể nói là các thuộc hạ của cô nương như A Nhị, A Tam hay Huyền Minh nhị lão.Trời xui đất khiến thế nào mà lại như vậy, có rất nhiều điều ta chưa hiểu ra nổi: Dù có tìm ra hung thủ đích thực, rồi ta giết hết bọn chúng đi chăng nữa, cũng đâu có ích gì? Cha mẹ ta không thể sống lại. Triệu cô nương, mấy ngày nay ta cứ nghĩ, giá mọi người đừng giết lẫn nhau, sống chan hòa thân ái vớinhau, có phải là hay biết mấy? Ta không nghĩ đến chuyện giết người báo thù, cũng mong người khác đừng sát hại ai cả". (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Lời này nghe có vẻ trẻ con, quá "hồ đồ", nhưng là ý nghĩ tỉnh táo, rõ ràng, đưa ra một khả năng lựa chọn giá trị cho cuộc sống giang hồ.

Trương Vô Kỵ hết sức hiền lành, rất nhiều việc tựa hồ "ba phải", song nếu bảo đó là không có chủ kiến, vô nguyên tắc, thì lầm to. Ví dụ rõ nhất là Trương Vô Kỵ có thể tạm thời giữ chức giáo chủ Minh giáo, nhưng giữa lúc thế lực của Minh giáo không chỉ chấn động giang hồ , mà còn chấn động cả giang sơn, thì Trương Vô Kỵ lại thề "nếu ta có ý lên làm vua, thì ta sẽ bị trời chu đất diệt, chết chẳng toàn thây”, khiến Chu Chỉ Nhược là người ham muốn quyền lực rất thất vọng. Chàng quả thực không có hứng thú với ngôi vua, với chính trị. Sau khi đọc “Minh giáo lưu truyền Trung Thổ ký” do Dương Tiêu biên soạn, Trương Vô Kỵ cảm khái vạn phần, nói : "Chỉ khi nào triều đình, quan lại không còn áp bức dân lành, thổ hào ác bá không hoành hành ngang ngược, thì bấy giờ bản giáo mới có thể thực sự hưng vượng". (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Chỉ tiếc Trương Vô Kỵ chỉ là một thầy thuốc, hoặc một vị giáo chủ hợp cách, chứ không phải là một chính trị gia, mà bản thân chàng cũng kiên quyết không muốn làm chính khách. Chàng không thể là đối thủ của tên lưu manh chính trị Chu Nguyên Chương, nên chàng sớm rút lui; việc ấy bảo là chàng cả tin hay mềm yếu cũng được, song đúng hơn thì đấy là nỗi bi ai, là không còn cách nào khác.


VI


Biểu hiện "thiếu tính cách" của Trương Vô Kỵ là thái độ mập mờ hoặc không chủ động nói rõ đối với bốn thiếu nữ ở bên chàng là Tiểu Chiêu, Ân Ly, Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược. Về chuyện này, Trương Vô Kỵ không chỉ làm trò cười cho độc giả, mà còn bị chính tác giả giễu cợt : "Tựa hồ chàng yêu Triệu Mẫn sâu sắc nhất, cuối cùng cũng nói với Chu Chỉ Nhược như thế, nhưng trong đáy lòng, rốt cuộc chàng yêu ai trong bốn nàng hơn cả, chỉ e chính chàng cũng không biết". (XemÝ thiên Đồ long ký). Tác giả viết thế để chứng minh tính cách của Trương Vô Kỵ lôi thôi rắc rối. Thực ra, chuyện tình yêu của Trương Vô Kỵ có nhiều cách hiểu, cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Nếu đừng xuất phát từ khái niệm, thì chúng ta sẽ thấy chuyện tình yêu của chàng rất giàu nội hàm nhân văn.

Điều đầu tiên đáng chú ý trong chuyện tình yêu của Trương Vô Kỵ là giấc mơ xuân điển hình của chàng: chàng mơ thấy cả bốn cô nương Tiểu Chiêu, Ân Ly,Triệu Mẫn và Chu Chỉ Nhược cùng làm vợ chàng : "Ban ngày ban mặt không dám nghĩ lung tung, nhưng trong giấc ngủ lại thành như thế, chỉ cảm thấy cả bốn cô nương, nàng nào cũng đẹp, mình không nỡ chia tay với một nàng nào cả". (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Tả giấc mơ như thế, không có gì lạ, điều đáng thực sự chú ý là tác giả đã bắt đầu chú trọng đến tâm lý - giấc mơ -tiềm thức của nhân vật chính. Cũng chứng tỏ tác giả bắt đầu miêu tả tâm lý con người chân thật, không bị giới hạn bởi mô hình người anh hùng, cũng không bó tay bởi qui phạm luân lý, Trương Vô Kỵ trở thành người đầu tiên dưới ngòi bút Kim Dung là nhân vật chính phái công khai mơ lấy bốn vợ".

Một số độc giả ngày nay cho rằng việc Trương Vô Kỵ “mơ lấy bốn vợ" chứng tỏ chàng là người không có chủ kiến, bởi lẽ thứ tâm lý đó vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và qui phạm đạo đức. Nhưng như có nói trong bộ tiểu thuyết, vào thời đại của Trương Vô Kỵ, chuyện năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình, trường hợp một vợ mới là hiếm thấy. Như vậy, việc Trương Vô Kỵ "mơ lấy bốn vợ" chỉ phản ánh sinh hoạt hiện thực mà thôi, và là chuyện hết sức bình thường, thể hiện một tâm trạng mang tính phổ biến, chứ không phải chứng tỏ tính cách gì cả. Một điều đáng chú ý khác là chuyện tình yêu của Trương Vô Kỵ có tích lũy phát triển theo thời gian, bốn cô nương ngồi chung một thuyền quả là một sự tình cờ. Trong cuộc đời ngắn ngủi của Trương Vô Kỵ, có những hoàn cảnh cực kỳ phức tạp, mà hoàn cảnh khác nhau, sẽ có tình cảm khác nhau với các đối tượng khác nhau cũng là chuyện thường tình. Khi chàng bị gãy chân, thì đồng bệnh tương lân với Ân Ly; trên đỉnh Quang Minh, trong lòng núi sống chết gắn bó với Tiểu Chiêu; tại hoang đảo trên biển Đông, do tình thế cứu người cấp bách mà phải tòng quyền; trên đường giải cứu Tạ Tốn, chàng ý hợp tâm đầu với Triệu Mẫn.

Thái độ tình cảm chủ quan, sự lựa chọn tâm lý dĩ nhiên có vai trò nhất định; nhưng trong đời mỗi người, tình yêu ngắn hay dài, sâu sắc hay thoáng qua, kết quả gắn bó hay biệt ly, cuối cùng đều do định mệnh cả. Chúng ta đương nhiên không phủ nhận, khi bốn cô nương cùng ngồi chung một thuyền, Trương Vô Kỵ thực tình không biết lấy ai bỏ ai. Một là do cô nào chàng cũng thích. Hai là, do tính cách hiền lành và tùy duyên của chàng. Gọi là tùy duyên, nghĩa là đối với Trương Vô Kỵ, thái độ của đối phương vô cùng quan trọng. Chu Chỉ Nhược có ơn bón cơm cho chàng trên sông Hán giang, chỉ điểm cho chàng trên đỉnh Quang Minh. Tiểu Chiêu vừa gặp "công tử" đã ân cần hầu hạ; Ân Ly có ơn mang bánh cho chàng ăn những ngày chàng bị gãy chân, lại còn là con gái cậu ruột của chàng; Triệu Mẫn vừa gặp Trương Vô Kỵ thì đã chung tình, thần hồn điên đảo. Gay go nhất là chịu ơn mỹ nhân, Trương Vô Kỵ không có khả năng lựa chọn, không dám đắc tội với bất cứ nàng nào.

Ngoài ra, còn nguyên nhân thứ ba, ấy là chàng đối diện với bốn tính cách khác nhau của bốn nàng : Ân Ly nóng như lửa, Tiểu Chiêu dịu hiền như nước, Triệu Mẫn hoạt bát sôi nổi, Chu Chỉ Nhược đoan trang kín đáo. Trương Vô Kỵ chẳng biết chọn ai, điều đó chẳng có gì lạ. Cuối cùng, Trương Vô Kỵ thực ra cũng rất có phân biệt chừng mực. Chàng nói với Chu Chỉ Nhược như sau : "Tiểu Chiêu sang Ba Tư, ta rất đau buồn. Biểu muội Ân Ly của ta qua đời, ta càng đau đớn hơn. Chỉ Nhược, nàng hóa ra thế này, lòng ta vừa đau đớn, vừa tiếc nuối. Nhưng Chỉ Nhược này, ta không muốn giấu nàng làm gì, nếu kiếp này ta không còn gặp lại Triệu cô nương, thì thà chết còn hơn.Tâm sự này của ta, trước nay ta chưa từng nói với ai bao giờ". "Chỉ Nhược, ta đối với nàng luôn kính trọng, đối với biểu muội họ Ân thì vô cùng cảm kích, đối với Tiểu Chiêu thì tội nghiệp thương xót, riêng với Triệu cô nương thì đúng là mối tình khắc cốt minh tâm". (Xem Ỷ thiên Đồ long ký). Đến đây thì không còn ai dám bảo Trương Vô Kỵ là người không có chủ kiến được nữa.


Ỷ Thiên kiếm


VII


Viết đến đây, tôi đột nhiên nghĩ, liệu có phải tôi đang biện hộ cho Trương Vô Kỵ là người "có tính cách" hay không? Nếu thế thì tôi làm chưa tốt. Ý định của tôi vốn là muốn phân tích ý nghĩa nhân văn và giá trị thẩm mỹ đặc biệt của hình tượng nhân vật Trương Vô Kỵ. Cái cảnh Ân Ly cô nương cho rằng “Là chàng Trương đó mà không phải chàng" quả thật khiến tôi bị chấn động rất mạnh, đồng thời cũng sáng ra rất nhiều : liệu chúng ta có nhầm lẫn như Ân Ly cô nương hay không? Liệu chúng ta có cố chấp, khăng khăng giữ óc tưởng tượng của mình, khước từ thông tin " thựctế ” do sách đưa ra hay không? Quan trọng hơn nữa, liệu chúng ta có cố chấp một Trương Vô Kỵ "võ hiệp" mà bỏ qua Trương Vô Kỵ nhân văn" hay không? Ở mức độ nào đó, tôi thừa nhận Trương Vô Kỵ là một kẻ ba phải, thiếu khí phách anh hùng theo nghĩa thông thường, tính cách cũng không được quả đoán, rõ ràng. Hơn nữa, tôi còn sợ rằng việc Kim Dung tiên sinh miêu tả hình tượng nhân vật này chưa thật hoàn thiện hoàn mỹ.

Về mặt võ hiệp, Trương Vô Kỵ có "Càn khôn đại na di"; nhưng về mặt nhân văn, sở dĩ hình tượng nhân vật Trương Vô Kỵ chưa đạt tới "vòng tròn Thái cực" trước hết là do sự hạn chế tình tiết -chủ đề trong bộ tiểu thuyết; sách lấy tên Ỷ thiên Đồ long ký, đã xác định hai chủ đề lớn của bộ tiểu thuyết là Ỷ thiên (chống chính thể bạo tàn - chủ nghĩa anh hùng), Đồ long (chống ngoại xâm - chủ nghĩa dân tộc), trong khi nhân vật chính Trương Vô Kỵ không đơn thuần chỉ là anh hùng giết giặc, cũng không đơn thuần chỉ chống chính thể. Thứ hai, quan trọng hơn, về phẩm chất nhân văn của hình tượng Trương Vô Kỵ, tác giả thiếu sự xác nhận rõ ràng và sâu sắc : không thể hiện một cách có hệ thống nguồn gốc gia học "Ngân câu thiết hoạch" của chàng, thân phận đặc thù thần y của chàng, truyền thống Đạo gia "Thái cực truyền nhân" của chàng, lập trường tinh thần giáo chủ Minh giáo của chàng. Như đã nói, tác giả rất ít tả hành động tâm lý, tinh thần của Trương Vô Kỵ. Do đó, theo tôi nghĩ, tác giả Kim Dung tiên sinh, ở mức độ nhất định, cũng giống như Ân Ly cô nương, có phần không biết chàng Trương chính là chàng Trương.

--------------

Bài liên quan:


Ỷ thiên đồ long ký

Bài đăng phổ biến