Breaking News

Tạ Yên Khách: Trả giá cho thói cuồng ngông

Huỳnh Ngọc Chiến

(Vietkiemhiep) - Trong đời, những kẻ may mắn có được cái gì đó hơn người, mà lại không có một căn cơ tinh thần sâu sắc, thường dễ đâm ra kiêu ngạo. “Cái hơn người” đó có khi là tiền bạc, địa vị hoặc tài năng. Từ tâm lý kiêu ngạo dễ dẫn đến thói chơi ngông. Cái ngông cũng có năm bảy đường ngông. Có cái ngông vì tiền bạc, như dân gian còn lưu truyền chuyện các công tử Bạc Liêu đốt một tờ 20 đồng để đi tìm tờ 5 đồng trong một rạp chiếu bóng; có cái ngông vì địa vị như nhiều vị có chức quyền đời nay sử dụng cái ghế ngồi để làm những trò lố bịch.


Đó là cái thói ngông rẻ tiền của bọn phàm phu bất tài, được nuôi dưỡng bằng sự kiêu ngạo thô bỉ và ngu xuẫn nguy hiểm. Nó phát xuất từ mặc cảm đớn hèn vì tự biết mình không thể được ai với cái đầu rỗng tuếch, ngoài những thứ tạm bợ là tiền bạc và địa vị, nên phải chơi ngông để tự “nâng giá” mình. Cái ngông hạ cấp đó tàn phá tinh thể của cái ngông của kẻ có tài năng chân chính, là những người ngông vì cô đơn, do không tìm được bạn tri âm, hoặc ngông vì khinh thường bọn “trung nhân dĩ hạ” đang huyênh hoang trong vòng danh lợi. Đó là cái ngông của những người tài hoa không muốn hòa mình theo lưu tục.

Nguyễn Tuân, vì không muốn tiếp một vị khách mà ông không ưa, đã ăn mặc chỉnh tề ra nói với người đó : “Ông Nguyễn Tuân nhờ tôi nhắn với ông rằng ông ấy không có nhà!”. Tản Đà từng đào nền nhà của một người ngưỡng mộ thơ mình để trồng rau, vì lo rằng khi cần rau nhắm rượu lại không có! Lưu Linh say rượu cổi truồng, bạn bè trách, ông cười bảo: “Ta lấy trời đất làm quần áo, các ông việc gì lại chui vào quần của ta?”. Điều đó có thể là thực hoặc chỉ là giai thoại văn học, nhưng dù sao cái ngông của kẻ có tài cũng đáng cảm thông vì nó không hề phô trương cái tôi một cách ồn ào lố bịch, và nhất là cái ngông đó thường bắt nguồn từ cảm thức cô đơn, vì không tìm được sự hòa điệu trong cõi đời. Nhưng ngẫm cho cùng thì ngay cả thói ngông vì tài năng cũng chẳng phải là điều hay ho gì cho lắm, thậm chí còn gây nguy hiểm về mặt tinh thần, vì trong đời không thiếu những kẻ có chút tài mọn cũng lăm le bắt chước thói ngông, tập tễnh học đòi cô đơn, có lẽ để đặt mình ngang với những kẻ có chân tài thực học. Thói ngông đó e rằng còn lố bịch hơn cả thói ngông vì tiền bạc và địa vị vì nó làm cả cõi thế phải ô nhiễm theo!

Trong các tác phẩm của Kim Dung, có rất nhiều nhân vật lỗi lạc và cuồng ngạo như Hoàng Dược Sư, Nhậm Ngã Hành, Bạch Tự Tại …, nhưng ngông đến mức dám sánh mình ngang với đấng Toàn năng để ban ân huệ cho người khác thì có lẽ trong tiểu thuyết võ hiệp chỉ có một người : đó là Tạ Yên Khách trong Hiệp khách hành. Vị cao thủ trên đỉnh núi Ma Thiên này, trong một phút hứng chí muốn chơi ngông, bèn đem tặng ba tấm huyền thiết lệnh cho ba người bạn mà mình mang ơn, với lời trọng thệ : ”Huyền thiết chi lệnh, hữu cầu tắc ứng” (Lệnh của tấm thép đen, hễ có cầu xin là được đáp ứng). Bất kỳ ai đem tấm huyền thiết lệnh đến thì Tạ Yên Khách sẵn sàng làm thỏa mãn mọi yêu cầu của người đó, kể cả việc yêu cầu ông ta tự tử! “Hữu cầu tắc ứng”, ước gì được nấy, cung cách đó chỉ có thể có ở một đấng Chí tôn hoặc ông Bụt trong truyện cổ tích, giờ đây lại tái hiện qua sự ngạo mạn ngông cuồng đến cùng cực của một đại tông sư võ học. Có lẽ chủ nhân huyền thiết lệnh cho rằng với bản lĩnh của mình thì mọi sự trên đời đều “vô bất khả”.

Cứ gõ cửa sẽ mở, cứ ước sẽ được toại nguyện. Câu “Hữu cầu tắc ứng” giống như câu thần chú : ”Vừng ơi, mở cửa ra” trong câu chuyện Ngàn lẻ một đêm. Trách sao võ lâm lại không điên đảo để giành nhau?

Một tấm huyền thiết lệnh ngẫu nhiên lạc trong chốn giang hồ và đã gây nên bao sóng gió. Sống trong đời ai lại không có sở cầu, nhất là giữa cõi giang hồ đầy rẫy ân oán thị phi? Các bang hội lẫn cá nhân đều tranh nhau tìm cách đoạt tấm huyền thiết lệnh vì muốn nhờ vị chủ nhân của nó giúp đỡ để thực hiện mưu đồ nào đó. Vợ chồng Thạch Thanh, trang chủ Huyền Tố trang, võ công và danh vọng là thế mà vẫn phải cần đến tấm huyền thiết lệnh để điều tra tông tích đứa con trai bị bắt cóc, đệ tử phái Tuyết Sơn lại cần đến tấm huyền thiết lệnh để truy nã một tên phản đồ lưu manh …, khách giang hồ lao vào cuộc săn lùng tấm huyền thiết lệnh giống như cảnh tượng mọi người đổ xô đi tìm vàng trong phim The Gold Rush (Cơn sốt vàng) của thiên tài Chaplin. Khác với các bí cấp võ công như Cửu âm chân kinh, Cửu dương chân kinh, Tịch tà kiếm phổ hay Quỳ hoa bảo điển … là những kỳ thư võ học giúp người ta luyện thành bản lĩnh vô địch, còn huyền thiết lệnh chỉ giống như một tấm vé số giải đặc biệt, mà người chiếm hữu nó được quyền thực hiện một điều mong ước.

Người xưa quả cực kỳ thâm thúy khi cho rằng vô cớ có được một tài sản lớn, nếu không phải là cái phúc phi thường ắt sẽ là cái họa phi thường. Điều đó đúng với Ngô Đạo Thông. Y sở hữu một tấm huyền thiết lệnh và lập tức trở thành đối tượng truy nã của khách giang hồ, sau hai năm không tìm được vị chủ nhân của nó; cuối cùng phải bỏ mạng tại Hầu Giám tập, dù đã cải trang thành kẻ bán bánh chiên. Cái vật mà nhiều người ước mơ, tranh đoạt đó lại ngẫu nhiên rơi vào tay một đứa bé ăn xin cầu bơ cầu bất. Tạ Yên Khách xuất hiện đúng lúc để đoạt lại tấm lệnh bài giữa vòng đao kiếm. Và dĩ nhiên, với tư cách là chủ nhân của tấm huyền thiết lệnh, Tạ Yên Khách buộc phải thực hiện điều yêu cầu của đứa nhỏ ăn xin. Có gì dễ dàng cho vị cư sĩ đỉnh Ma Thiên hơn việc làm thỏa mãn yêu cầu của một đứa bé ăn xin lang thang ở đầu đường xó chợ? Một miếng bánh hoặc một ít tiền là xong tất, dù điều đó hoàn toàn không xứng đáng với giá trị của tấm huyền thiết lệnh, giống như cầm cả xe vàng ròng để đổi lấy một cái bánh bao. Nhưng điểm thú vị bất ngờ nhất của tác phẩm là đứa bé ăn xin đó, do hoàn cảnh sống từ bé, lại hoàn toàn không có một điều mong cầu nào, vì đã được dạy cho bài học : “Đừng yêu cầu ai điều gì cả. Khi người ta không muốn cho thì có xin cũng không được, mà khi người ta đã muốn cho thì không nhận người ta cũng bắt phải lấy!”. Điều đó làm điên đầu chủ nhân huyền thiết lệnh và dẫn đến cảnh dở khóc dở cười về sau.

Tạ Yên Khách dầu có bản lĩnh thông thần và muốn làm một đấng Toàn năng đi nữa thì dĩ nhiên vẫn có những điều ông ta không thể thực hiện được, nhưng việc một người mang huyền thiết lệnh đến yêu cầu ông ta tự tử là điều hoàn toàn khả thi, vì nếu không thì còn gì là “hữu cầu tắc ứng” nữa? Vị Ma Thiên cư sĩ cực kỳ cao ngạo đó đã bị thói chơi ngông của mình chơi khăm lại một vố rất cay. Ông buộc phải dẫn đứa bé ăn xin lên đỉnh Ma Thiên sống chung với mình, vì sợ nó bị kẻ thù ông xúi bậy. Biết đâu được có kẻ cắc cớ xúi thằng bé buộc ông ta suốt đời không được động thủ với ai hoặc không được rời khỏi đỉnh Ma Thiên, thì điều đó còn đau khổ hơn cả việc bắt phụ nữ suốt năm không được mở miệng!

Trọn tác phẩm Hiệp khách hành không có đoạn nào thú vị bằng đoạn Tạ Yên Khách, bằng nhiều thủ đoạn, dụ cho đứa bé mở miệng cầu xin mình, xem như để dứt món nợ với tấm huyền thiết lệnh. Nhưng tiếng nói hồn nhiên từ đầu đến cuối của nó vẫn là : Không! Thậm chí Tạ Yên Khách còn phải nhờ vào tiền lẻ của nó để ăn cơm khi hai người vào quán. Kẻ cực kỳ kiêu ngạo muốn ban ân huệ cho thiên hạ lại gặp phải đứa bé sống hồn nhiên với cái tâm vô cầu, khác nào đem món tay gấu cực quý để tặng cho kẻ suốt đời chỉ biết ăn chay! Đây là điểm vô cùng sâu sắc và lý thú của Hiệp khách hành, mà ta từng gặp trong Tây Du Ký. Tôn Ngộ Không xem mình vĩ đại ngang với trời (đã Tề Thiên mà còn thêm đại thánh nữa!), và đại náo thiên cung như chỗ không người để rồi bị tóm gọn trong bàn tay của đức Phật Như Lai, bản lĩnh trùm đời của Tạ Yên Khách lại bị khốn vì cái tâm vô cầu của một thằng bé ăn xin. Hai hình ảnh đó ắt hẳn mang rất nhiều ngụ ý mỉa mai trào lộng của Ngô Thừa Ân và Kim Dung. Bạn cứ xưng hùng xưng bá đi, coi thiên hạ dưới mắt không người đi, muốn chọc trời khuấy nước cho xứng đáng với “tầm vóc vĩ đại” của mình đi, để rồi sẽ có ngày bị sa lầy vào những thứ tầm phào không đáng một xu. Phép thần thông cân đẩu vân của bạn tưởng chừng sẽ bay vút ngoài vạn dặm nhưng thực ra cũng không vượt qua nỗi ngón tay của những bậc minh triết. Ngọn núi cao ngất trong mắt bạn mà bạn đã từng, như Tề Thiên, ngạo nghễ đái vào đó để chứng tỏ tài năng và bản lĩnh thì thực ra cũng chỉ là một hạt bụi vớ vẫn, tình cờ rơi trong lòng tay của những thiên tài.
Thằng bé Cẩu tạp chủng đó quá hồn nhiên và lương thiện nên Tạ Yên Khách cũng không thể hạ thủ nó để bịt miệng. Ông ta đành dùng thủ đoạn giúp nó luyện công để mong nó chết đi vì bị tẩu hỏa nhập ma. Như thế ông ta sẽ giải thoát khỏi “món nợ đời” mà vẫn giữ tròn chữ tín và không vi phạm lời thề. Nhưng cuộc đời đã muốn chơi khăm kẻ cuồng ngạo nên thủ đoạn của Tạ Yên Khách không những đã không hại được thằng bé mà còn vô tình giúp nó luyện được nội công tuyệt đỉnh. Như vậy cùng có được huyền thiết lệnh, nhưng khác với Ngô Đạo Thông gặp cái họa phi thường vì sở cầu, đứa bé ăn xin lại gặp cái phúc phi thường vì cái tâm hồn nhiên vô cầu.

Khi thằng bé ăn xin đó bị bang Trường Lạc nhận lầm là bang chủ và đem cao thủ lên tập kích đỉnh Ma Thiên để bắt về tổng đàn, thì người đọc ngỡ rằng nhân vật Tạ Yên Khách không còn được nhắc đến nữa, và tấm huyền thiết lệnh xuất hiện từ đầu tác phẩm đã rơi vào quên lãng cùng với chủ nhân của nó. Nhưng sau một loạt liên tục các biến cố hi hữu, Thạch Phá Thiên (tức Cẩu tạp chủng) luyện được võ công tuyệt đỉnh và cuối cùng lại gặp Tạ Yên Khách trên thành Lăng Tiêu. Đó là điều bất ngờ hấp dẫn mà Kim Dung đã thiết kế một cách tài tình.

Luyện xong tuyệt kỹ Bích Châm thanh chưởng, Tạ Yên Khách bèn hạ sơn để ấn chứng võ công. Sau khi phá hủy tổng đàn Trường lạc bang về cái tội dám quấy nhiễu Ma Thiên lĩnh, Tạ Yên Khách lại gặp Thạch Trung Ngọc và ngỡ đó là thằng nhỏ Cẩu tạp chủng ngày nào. Gã thiếu niên lưu manh đàng điếm này liền mạo nhận mình là Cẩu tạp chủng và yêu cầu Tạ Yên Khách tập kích thành Lăng Tiêu để làm cỏ phái Tuyết Sơn. Chủ nhân huyền thiết lệnh buộc phải thực hiện yêu cầu đó mà hoàn toàn không ngờ rằng gã này đang dùng tấm “vé số giả” để lừa mình. Chính tại nơi đây kẻ xài tấm “vé số giả” Thạch Trung Ngọc lại gặp đúng kẻ có tấm “vé số thật” Thạch Phá Thiên. Đúng là “oan gia gặp nhau trong đường hẹp”. Đến giây phút oái ăm này chú “Cẩu tạp chủng” vô cầu mới có một yêu cầu thực sự, tuy đơn giản nhưng lại đẩy Tạ Yên Khách vào cảnh dở khóc dở cười: đó là nhờ ông ta cai quản và dạy dỗ Thạch Trung Ngọc. Bắt một tay cuồng ngạo có bản lĩnh nghiêng trời như Tạ Yên Khách đi làm “vú em” để chăm lo cho một thiếu niên lưu manh đàng điếm, đó quả là điều oái oăm và buồn cười nhất trần gian, còn hơn cả việc nhờ Picasso đi sơn cửa hoặc nhờ Mozart thổi kèn đám ma! Nhưng từ chối làm sao được, “hữu cầu tắc ứng” mà.

Có lẽ cái ngông nào rồi cũng phải có giá trả, ngay cả cái ngông của những người muốn đem tài hoa để trào lộng hóa công, như Lý Trường Cát hoặc Tô Đông Pha. Qua nhân vật Tạ Yên Khách, biết đâu Kim Dung lại muốn gởi đến người đọc một bài học rất ư cắc cớ, mà lại vô cùng sâu sắc, về thói cuồng ngông vô lối của con người. Và cái vố cay mà Tạ Yên Khách phải gánh lấy liệu có cảnh tỉnh được không những kẻ cuồng ngông ngu xuẫn vẫn còn tràn lan trong thiên hạ?

----------------------

Bài liên quan:




Bài đăng phổ biến